Giới thiệu sách tháng 11

Lượt xem:

Đọc bài viết

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11

TÊN SÁCH: Đạo học với truyền thống tôn sư

Nhiều tác giả.

   “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy là câu nói của người xưa nhắc nhở chúng ta sống ở đời phải biết ơn người dìu dắt, dạy bảo mình, dù chỉ là điều nhỏ nhất. Kính trọng người dạy dỗ, truyền thụ tri thức là nét đẹp đạo lý của một xã hội văn minh, hiếu học, trọng đạo làm người. Đó cũng chính là truyền thống tôn sư trọng đạo được lưu truyền của dân tộc Việt Nam.

Quyển sách “Đạo học với truyền thống tôn sư” do Nguyễn Văn Năm biên soạn, tuyển chọn sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn truyền thống tôn sư trọng đạo của nước ta từ xưa đến nay. Sách do Nxb. Giáo dục xuất bản năm 2007 với độ dày 418 trang, gồm những bài viết của các nhà văn, nhà báo, các học giả, phụ huynh về giáo dục Việt Nam, được trình bày qua 4 chương:
Chương 1 và chương 2 gồm các bài viết về truyền thống tôn sư trọng đạo xưa và nay, cũng như bàn về câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cho thấy, nền giáo dục nước ta đã có những người thầy mẫu mực như Chu Văn An, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lân, Nguyễn Văn Huyên… và nhiều cây đại thụ khác nữa. Song song đó, cũng có biết bao tấm gương học trò hiếu nghĩa như Vua Hiến Tông, Lê Quát, Ngô Lý, Ngô Quang Bích,… và rất nhiều người học trò đã đền đáp công lao thầy dạy bằng cách đem tài trí cống hiến cho đời.

Chương 3 và chương 4 gồm các câu chuyện giáo dục, những hồi ức cảm động và sâu sắc về tình nghĩa thầy trò qua nhiều thế hệ; Những trao đổi về vấn đề giáo dục trong xã hội hiện đại. Trong đó, bàn về cái đẹp của nghề nhà giáo, tiến sĩ Dương Thiệu Tống cho rằng: “Cái đẹp của nghề giáo cũng như mọi cái đẹp khác, nó làm cho người ta say mê, kính trọng: Hoàn cảnh càng khó khăn, cái đẹp của nghề giáo càng được thể hiện rõ nét hơn… Người thầy giáo chân chính luôn luôn đi tìm cái mới, những cái mới trong kiến thức, trong nghề nghiệp, trong tâm hồn mình để tạo nên những cái mới trong lòng học sinh, đóng góp cho dân tộc. Chính người thầy bằng sự học hỏi không ngừng, bằng sự sáng tạo, bằng lòng can đảm vượt qua mọi khó khăn để vững tay chèo lái đưa học trò đến tương lai tươi sáng”.

Với tấm gương người thực, việc thực, lời văn giàu sức thuyết phục, hy vọng “Đạo học với truyền thống tôn sư” sẽ là nguồn tư liệu quý về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta xưa nay, là tài liệu tham khảo hữu ích cho tất cả mọi người. Cuốn sách gửi đến bạn đọc những  câu chuyện, những tâm sự của những người từng ngồi trên ghế nhà trường viết lại những cảm xúc tình cảm, kỉ niệm… của chính họ về những người thầy và những bài học từ thầy cô. Không phải tự nhiên mà những điều ấy lại khắc sâu trong tâm trí của họ, chắc hẳn phải có nguyên nhân sâu xa? Chắc chắn khi đọc xong những mẩu chuyện ấy sẽ gợi lên trong tâm trí bạn những kí ức sống đẹp đẽ của một thời cắp sách đến trường đồng thời làm giàu thêm minh chứng cho một quan điểm đã được đúc kết từ ngàn xưa :“Không Thầy đố mày làm nên”.

Phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc là sự tương tác hỗ trợ tích cực cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam hiện nay và cũng là cách mỗi học sinh chúng ta thể hiện sự tri ân, trân trọng đối với thầy cô giáo. Để hiểu rõ hơn về truyền thống tốt đẹp này, thư viện trường THCS Phổ Văn giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Đạo học với truyền thống tôn sư, với số dăng kí cá biệt TK.00814.