GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 03
Lượt xem:
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 03
TÊN SÁCH: Gian lao nghìn dặm-Minh San
Để có được độc lập, sự tự do, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay đã phải hi sinh biết bao công sức của các bậc tiền bối thế hệ trước. Anh dũng, kiên cường ngày đêm quyết giành lại được mảnh đất quê hương thiêng liêng dù là một thước đất. Tất cả những sự hi sinh đó phải được con cháu đời đời ghi nhận và biết ơn. Và trong số những sự hi sinh đó, có một chàng thanh niên sẵn sàng rời bỏ quê hương đến nơi đất khách quê người để tìm kiếm sự giải thoát cho đồng bào tại chính quê hương mình. Ngày 5-6-1911, chàng thanh niên lên chuyến tàu Amiral Latouche Tréville rời Sài Gòn đi đến vùng trời châu Âu – Marseille, Pháp. Mang trong mình ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc và cũng chính là mang theo niềm hi vọng của cả dân tộc Việt. Người thanh niên đó mang tên Nguyễn Tất Thành.
Để kể về sự hi sinh, cuộc đời của Bác, đã có hàng ngàn các tác phẩm ra đời. Mỗi tác phẩm về Bác Hồ thường chọn cho mình một giai đoạn có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với sự lựa chọn của Bác, giai đoạn thời niên thiếu theo cha vào Huế và sau đó là quyết định sang trời Tây để ra đi tìm đường cứu nước được nhiều tác phẩm đề cập đến nhiều nhất. Trong đó đều mang những giá trị và ý nghĩa cực kỳ sâu sắc với những lý tưởng mà Hồ Chí Minh đã để lại cho đời sau. Tuy nhiên, có một tác phẩm đã khái quát chi tiết, một cái nhìn toàn cảnh nhất về 30 năm bôn ba nước ngoài của Bác Hồ, giúp cho người đọc biết được hết từng sự kiện xuất hiện trong cuộc đời Bác trong suốt quãng thời gian dài ở nơi đất người tìm “ánh sáng” cho dân tộc. Tác phẩm mang tên Gian lao nghìn dặm của tác giả Thế Kỷ và Minh San. Đúng như cái tên gọi của nó, tác phẩm viết về chặng đường gian nan và đầy gian khổ của Bác ra đi tìm đường cứu nước, viết về con đường cứu nước của Bác Hồ từ năm 1911 – khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên chiếc tàu viễn dương Pháp đi về phương Tây. Đến nước Pháp, Bác thành lập Hội người Việt Nam yêu nước và thảo Yêu sách 8 điểm, xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Người đã tham gia và sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Rời Paris sang Liên Xô, tham dự Đại hội 5 của Quốc tế Cộng sản, Bác đọc tham luận về vấn đề giải phóng dân tộc và thuộc địa… rồi lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào năm 1945. Các tình tiết được miêu tả cực kì chi tiết và có tính chân thật cao. Tác phẩm phải sử dụng một khối lượng tư liệu khổng lồ để có thể có người đọc cái nhìn tổng quán và sắc nét nhất về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.
Cuốn sách cho ta cái nhìn khác về chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên cường, bất khuất, nhạy bén, mang tầm vóc của một vĩ nhân. Dân tộc Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm trong lịch sử, có nhiều lúc được độc lập tự chủ, cũng lắm khi chìm đắm trong đêm trường nô lệ. Những thử thách mang tính sống còn của lịch sử đã rèn đúc cho dân tộc Việt Nam một ý chí, một niềm tin sắt đá để chiến đấu và chiến thắng.” Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” Hồ Chí Minh một con người mà tên tuổi và sự nghiệp đã gắn liền với dân tộc Việt Nam. Trải suốt chặng đường 79 năm cuộc đời Người đã để lại những di sản lớn lao, mà khi thấm nhuần mỗi chúng ta sẽ có được nhiều bài học bổ ích, bài học để sống ở đời và sống làm người. Sách hiện đang có tại thư viên trường với số ĐKCB TK.00933-TK.00938 mời bạn đọc tìm đọc.