Khi nào thì bạn cần đến phòng tâm lý học đường?
Lượt xem:
Khi nào thì bạn cần đến phòng tâm lý học đường?
Các bạn học sinh thân mến!
Bạn đã bao giờ cảm thấy mình phải mệt mỏi với những áp lực trong học tập, trong quan hệ với cha mẹ, bạn bè, bạn thắc mắc về những thay đổi tâm sinh lý của bản thân? Bạn cảm thấy mình mất định hướng trong cuộc sống? …Nếu câu trả lời là “có” vậy liệu bạn có nên đến phòng Tâm lý học đường để được hỗ trợ không? Mỗi người khác nhau lại có những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Nếu bạn có những dấu hiệu dưới đây thì bạn nên đến phòng Tâm lý học đường để được hỗ trợ.
1. Bạn đang gặp phải một sự việc làm bạn cảm thấy buồn phiền lo lắng từ lâu mà vẫn chưa thể tìm ra cách giải quyết.
2. Bạn thường xuyên cảm thấy tiêu cực (buồn bã, giận dữ…), đôi lúc bạn cảm thấy cuộc sống gần như vô nghĩa.
3. Bạn lạm dụng rượu bia, chất kích thích, tình dục… khi gặp phải vấn đề trong cuộc sống.
4. Bạn vừa trải qua một sự kiện làm bạn sợ hãi (chứng kiến tai nạn, bị cướp…).
5. Bạn vừa mất đi một người quan trọng (Có thể là cái chết của ai đó, chia tay với người yêu, phải xa cha/mẹ…)
6. Bạn không còn hứng thú, không muốn gặp ai hay làm bất cứ điều gì nữa ngay cả đó là điều bạn từng rất thích
Phòng Tâm lý học đường làm việc với phương châm “Lắng nghe – Sẻ chia – Bí mật”, đến đây, bạn sẽ được hỗ trợ bởi những chuyên viên có chuyên môn về công tác tham vấn và trị liệu tâm lý. Khó khăn của bạn sẽ được lắng nghe và cùng tìm hướng giải quyết. Mọi vấn đề bạn chia sẻ với chúng tôi đều sẽ được tôn trọng và giữ bí mật theo đúng nguyên tắc làm việc.
Để trực tiếp được hỗ trợ hay muốn tìm hiểu thêm, bạn vui lòng liên hệ: Tổ tư vấn tâm lí nhà trường nhé!